Bớt hạt nhân, thêm phiền toái

2 minute read

Khi chiến tranh Nga-Ukraina nổ ra và căng thẳng nguồn cung khí đốt từ Nga leo thang, vấn đề an ninh năng lượng lại càng trở nên nóng bỏng ở châu Âu. Một câu hỏi lớn đặt ra liệu các nước có nên phát triển điện hạt nhân để giảm phụ thuộc năng lượng?

Nước Đức phát triển ồ ạt điện hạt nhân trong suốt 3 thập kỉ kể từ những năm 1960 để giảm thiểu ô nhiễm không khí và đảm bảo nguồn cung năng lượng. Thảm họa tai nạn hạt nhân Chernobyl (Ukraina) nổ ra năm 1986 dấy lên lo ngại trong công luận. Đảng Xanh tham gia chính quyền liên hiệp Schröder năm 2000, thúc đẩy tuyên bố loại trừ dần điện hạt nhân và sau đó bị trì hoãn bởi chính quyền Merkel. Sự cố điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) diễn ra 2011 châm ngòi phong trào biểu tình phản đối điện hạt nhận lại nổ ra ở Đức với hơn 250,000 người tham gia. Chính quyền Merkel buộc phải đem trở lại kế hoạch chấm dứt hoàn toàn điện hạt nhân vào 2022. Tại thời điểm 2011, điện hạt nhân đóng góp tới 25% tổng sản lượng điện của toàn nước Đức.

Việc từng bước đóng cửa điện hạt nhân do sức ép chính trị (thay vì thay đổi hoàn cảnh kinh tế hay môi trường) từ một cú sốc bên ngoài (Nhật Bản) đã tạo điều kiện cho các nhà kinh tế đánh giá tác động của các nhà máy điện hạt nhân. Javis, Deschenes và Jha xây dựng một khung phương pháp học máy kết hợp với mô hình kinh tế lượng nghiên cứu sự kiện. Từ đó các tác giả ước lượng sản lượng phản thực của các nhà máy điện sử dụng các loại nhiên liệu khác nhau trên toàn nước Đức giả sử nước này chưa từng từ bỏ điện hạt nhân.

image-center

Kết quả là từ tháng 3/2011, Đức giảm ngay khoảng 4TWh điện hạt nhân mỗi tháng và sau đó giảm thêm 2 TWh mỗi tháng. Sự thiếu hụt được bù đắp thông qua tăng năng lượng tái tạo (khoảng 2.5 TWh mỗi tháng), nhà máy điện than (khoảng 2-3 TWh mỗi tháng) và nhập khẩu điện chủ yếu từ Pháp và Séc (khoảng 1TWh mỗi tháng). Đồng thời giá điện bán buôn tăng khoảng 1 euro cho mỗi MWh. Việc thay điện hạt nhân bằng điện than làm tăng ô nhiễm không khí, ước tính làm tăng 800 người chết mỗi năm, tương đương tổn thất xã hội khoảng 2 tỉ euro.

Tổng chi phí xã hội tăng thêm (từ tăng giá điện và tăng tử vong) do đóng cửa điện hạt nhân ước tính trong khoảng 3-8 tỉ euro mỗi năm, tức là 60-160 tỉ euro trong 20 năm. Trong khi đó thảm họa hạt nhân Fukushima ước tính gây ra tổng chi phí xã hội khoảng 280-640 tỉ với xác suất xảy ra ở Đức 1 lần trong 20 năm là 1:150 đến 1:375.

  • Bài viết dựa trên nghiên cứu: Stephen Jarvis, Olivier Deschenes, Akshaya Jha, The Private and External Costs of Germany’s Nuclear Phase-Out, Journal of the European Economic Association, 2022.

Comments